Đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
VHO- Tọa đàm Chung tay đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em do Hội đồng Đội TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (Save the Children) tổ chức vào cuối tuần qua tại Đường sách TP.HCM đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh tham dự.
Học sinh bày tỏ ý kiến gửi gắm đến chương trình
Bạo lực tinh thần khó được ứng cứu kịp thời
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, vấn nạn trẻ em bị bạo hành, xâm hại là bài toán nhức nhối cho toàn xã hội. Theo Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP, thành viên CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em TP.HCM, việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho trẻ em cần tập trung vào những nội dung thật cụ thể và dễ hiểu để các em tiếp thu.
“Khi đến với các cháu, chúng ta cần cung cấp sức đề kháng, rèn luyện kỹ năng để các cháu tự tin đối diện với các tình huống nguy hiểm. Và mặc dù vậy, tôi cho rằng vẫn là chưa đủ. Việc tuyên truyền không chỉ ở trẻ em mà còn cho cả người lớn. Cần có những buổi nói chuyện với phụ huynh và giáo viên vì đây là những người gần gũi nhất, là chỗ dựa tin cậy nhất của các cháu. Các cháu luôn mong muốn có được sự yêu thương, che chở từ những người lớn bên cạnh mình để không thấy bị cô đơn, bỏ rơi, bị thờ ơ trong những tình huống khó khăn của bản thân…”, Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy chia sẻ.
Về vấn nạn bạo hành tinh thần, TS tâm lý học Tô Nhi A (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) phân tích, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của người bị bạo hành; nạn nhân sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý và rất dễ phát triển các dạng nhân cách bất thường. Khi bị bạo lực tinh thần, các bạn nhỏ không còn tâm trí tập trung vào các hoạt động chính yếu của bản thân nữa, lúc nào cũng thấy bất an, lo lắng… “Nguy hiểm của bạo lực tinh thần là các bạn nhỏ khó chia sẻ để được ứng cứu kịp thời. Ví dụ trên tay các bạn có vết bầm tím thì phụ huynh có thể nhìn thấy ngay, nhưng tổn thương tinh thần thường rất khó nhận thấy bằng mắt, phụ huynh phải có khả năng suy luận và phải có cái nhìn thấu cảm. Do đó, nếu thấy con mình bần thần, lo lắng, phụ huynh cần suy luận trạng thái này liên quan đến điều gì và phải là người đủ kiến thức, kiên nhẫn để tâm sự với con… Đường vòng đó rất xa, chính vì thế đã làm cho sự ứng phó của người lớn trở nên chậm trễ, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, những rối loạn tinh thần kéo dài, trầm cảm và thậm chí liên quan đến những tính cách tiêu cực sau này khi các bạn lớn lên.
Trẻ cần đồng hành cùng cha mẹ trong xây dựng gia đình hạnh phúc
Nhiều khảo sát cho thấy, có một tỷ lệ không nhỏ tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra trong chính gia đình. Có trường hợp cha mẹ bạo hành với con cái là do khi còn bé họ cũng là nạn nhân. Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, nếu có bạo lực trong gia đình hoặc vì lý do gì đó có những mối bất hòa giữa ba mẹ và con cái, thì mỗi học sinh cũng phải chủ động giải quyết. “Các con cần nói cho cha mẹ nghe những gì mình đang suy nghĩ. Bởi cảm giác của cha mẹ khi được nghe con mình trình bày tâm tư là rất ý nghĩa, đó là nguồn thông tin họ luôn muốn nhận được. Còn nếu ba mẹ không có thời gian nghe, các con hãy viết thư, nhắn tin… làm đủ mọi cách để kết nối sợi dây giữa các thành viên”, TS Tô Nhi A khuyên các bạn nhỏ.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) bày tỏ: “Đứa con ngoan không chỉ biết nghe lời mà còn phải đồng hành cùng cha mẹ trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Các con có quyền phản biện, tuyên truyền lại cho cha mẹ những kiến thức mình học được ở trường, ở các chương trình kỹ năng, nói lên tâm tư của mình và hỗ trợ cha mẹ mình”.
Bà Nguyễn Ngọc Nhung, Phó ban Thiếu nhi Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng đội TP.HCM cho biết, Hội đồng đội đang triển khai chương trình Cùng em vững bước để hỗ trợ cho các bạn nhỏ. “Vấn đề chúng tôi rất tâm đắc là trong quá trình thực hiện đã kết nối được với nhiều cơ quan, tổ chức cùng chung tay triển khai các hoạt động để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, làm sao để các em sống tốt hơn, xây dựng tình bạn đẹp hơn, bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn. Rất mong được nhiều hơn nữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chuyên gia đồng hành để đẩy lùi tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em”, bà Nhung mong muốn.
Trong khuôn khổ chương trình, BTC tập huấn chuyên đề Cách nhận diện và ứng phó trước các tình huống nguy hiểm với trẻ em hiện nay do trung tá Nguyễn Đào Minh Huy hướng dẫn; cùng với đó là triển lãm bộ sản phẩm tuyên truyền Những điều không được làm đối với trẻ em, tổ chức các sân chơi dành cho trẻ em và gia đình tại Đường sách TP.HCM.
THÙY TRANG